Tuyên truyền về lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng Internet

Ngày 15/6/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 1509/UBND-NC về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo đó, thời gian vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về sử dụng công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ với tổng số tiền chiếm đoạt trên 45 tỷ đồng. Trong số đó, rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo bởi các phương thức thức, thủ đoạn cũ như: kêu gọi đầu tư tài chính, chứng khoán, tiền ảo; mời làm cộng tác viên bán hàng, thực hiện nhiệm vụ trên website; giả danh Công an, Tòa án, Viện kiểm sát…. Đặc biệt trong số các nạn nhân, có người là cán bộ, công chức, viên chức, người có chuyên môn, kiến thức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Qua công tác đấu tranh, truy xét của Công an tỉnh cho thấy hầu hết các vụ án liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do các nhóm đối tượng chuyên nghiệp, hoạt động ở nước ngoài tấn công chiếm đoạt tiền của các nạn nhân trong nước; gây nhiều khó khăn, làm giảm hiệu quả cho công tác điều tra, truy bắt. Thực tế nêu trên cho thấy để ngăn chặn, kéo giảm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thì công tác tuyên truyền, phòng ngừa nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh là quan trọng, cần được quan tâm đẩy mạnh.  Ngoài các thủ đoạn phổ biến như: Kết bạn làm quen qua mạng xã hội (Facebook, Zalo..) hứa hẹn tình cảm yêu đương, tặng quà rồi lừa đảo; chiếm quyền quản trị hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt; Tạo lập các website sàn giao dịch tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế để lôi kéo người dân tham gia đầu tư, sau đó can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia; Đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp và chiếm đoạt số tiền huy động được…Kể từ đầu năm 2023 đến nay, nổi lên một số thủ đoạn như:

 1. Các đối tượng nhằm vào tâm lý của các bậc phụ huynh khi lo lắng cho sức khỏe tính mạng của con mình, các đối tượng giả danh là giáo viên, nhân viên y tế, bác sỹ, nhân viên của bệnh viện…gọi điện thoại đến cho phụ huynh học sinh thông báo về việc học sinh bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện cần nộp tiền gấp cho bệnh viện để chữa và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền đến số tài khoản mà đối tượng chỉ định

 2. Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc rồi chiếm đoạt số tiền đó.

 3. Đối tượng giả danh là cán bộ Ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi…nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin của bị hại để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.

 4. Giả danh Công an, Tòa án gọi điện thoại thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi  người dân lo sự và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác để chiếm đoạt. Đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

 5. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee…và chạy quảng cáo, khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi  các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng… và yêu cầu gửi các thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn. Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm nghìn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được các đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%.  Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng viện lý do là “bạn đã được công ty nâng hạng” và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shopee…có giá trị lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển tiền. Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển tiền mà tiếp tục thông báo cho cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đối tượng). Sau đó các đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại.

Nguồn: Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1898