Một số chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 3/2024

1. Nghị định số 02/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Ngày 10/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2024/NĐ-CP ngày 10/1/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, công trình điện là tài sản công được chuyển giao theo quy định tại Nghị định 02/2024/NĐ-CP gồm:

– Công trình điện là tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);

– Công trình điện là tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tài sản công tại doanh nghiệp);

– Công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước do Ban Quản lý dự án, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư (công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước);

– Công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;

– Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giá trị công trình điện tăng thêm do tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên công trình điện hiện hữu của đơn vị điện lực) do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hình thức không hoàn trả vốn và đơn vị điện lực thống nhất tiếp nhận (công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước);

– Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc hình thành từ dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được các bên thỏa thuận chuyển giao cho đơn vị điện lực theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận (công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Đồng thời, Nghị định quy định công trình được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triên điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao;  Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; Công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác.

Nghị định 02/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2024.

2. Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:

Ngày 11/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2024/NĐ-CP về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ; Thanh tra Cơ yếu, Chánh Thanh tra Cơ yếu; Thanh tra BHXH Việt Nam, Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam; Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra Sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, thành viên Đoàn Thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đáng chú ý, tại Mục 2, Chương 2 của Nghị định đã quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động…

Theo đó, quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Cơ yếu như sau:

– Thanh tra Cơ yếu là cơ quan của Ban Cơ yếu Chính phủ, giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ, mật mã dân sự, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cơ yếu; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

– Thanh tra Cơ yếu chịu sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Nghị định 03/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024.

3. Nghị định số 04/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp:

Ngày 12/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Theo đó, công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có phương án sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước theo các tiêu chí sau:

+ Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;

+ Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

– Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

Nghị định 04/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2024. Các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới vẫn là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng hoạt động không hiệu quả và cần sắp xếp, đổi mới lại thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp và quy định tại Nghị định này.
Đối với các công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà có phương án sắp xếp, đổi mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đáp ứng các quy định tại Nghị định này thì tiếp tục thực hiện theo phương án được phê duyệt.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi văn bản khác thì áp dụng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

4. Thông tư số 04/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và viên chức chuyên ngành, cơ cấu viên chức chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính:

Ngày 22/01/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2024/TT-BTC hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và viên chức chuyên ngành, cơ cấu viên chức chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính.

heo đó, Thông tư hướng dẫn cụ thể về danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và viên chức chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính như sau:

– Danh mục 08 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư;

– Danh mục 17 vị trí việc làm viên chức chuyên ngành tài chính được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư;

– Bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư;

– Bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm viên chức chuyên ngành tài chính được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư;

Ngoài ra, Thông tư quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm; đồng thời, quy định điều khoản chuyển tiếp thực hiện:

– Đối với viên chức lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục thực hiện cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

– Đối với viên chức hiện đang giữ hạng viên chức cao hơn so với hạng viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được giữ hạng viên chức hiện giữ cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thông tư 04/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/3/2024.

File đính kèm:

Nghị định 04/2024/NĐ-CP.pdf

Nghị định 03/2024/NĐ-CP.pdf

Nghị định 02/2024/NĐ-CP.pdf

Thông tư 04.pdf

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 263