Phát triển hạ tầng chuyển đổi số
Quảng Ninh đang nỗ lực để đảm bảo tốt hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Nhân viên kỹ thuật của Viettel kiểm tra và vận hành trạm BTS phát sóng thông tin di động tại đảo Trần (huyện Cô Tô).
Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu, là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Trong bảng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022, với điểm số đạt 0,7024, Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong nước, tăng 4 bậc so và tăng 0,2052 điểm so với năm 2021. Trong đó, ở trục chỉ số phát triển hạ tầng số, năm 2022 Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Đáng chú ý, trong các thành phần của hạ tầng số của Quảng Ninh là tỷ lệ dân số được phủ sóng di động tại địa phương là 100%; hạ tầng Internet băng rộng được triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn…
Kết quả đó do nhiều năm qua tỉnh luôn chú trọng xây dựng hoàn thiện hạ tầng viễn thông đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Năm 2023 với việc khánh thành trạm BTS phát sóng thông tin di động tại đảo Trần và tại Trạm Kiểm soát biên phòng Mã Cháu, đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô), tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xây dựng trạm phát sóng di động để phủ sóng di động cho 105 thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đến nay toàn tỉnh không còn vùng lõm sóng di động; hạ tầng Internet băng rộng được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn; đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao di động/người dân (mức trung bình cả nước là 1,23); số hộ gia đình có băng rộng cố định đạt tỷ lệ 93% (trung bình cả nước là 79%). Hệ thống mạng WAN, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã phủ 100% các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn của tỉnh.
Ông Trần Lê Sinh, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT), cho biết: Để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, giao các sở, ngành, đơn vị chức năng rà soát, ban hành các quy hoạch về hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh. Sở TT&TT luôn theo dõi, cập nhật việc phát triển công nghệ cũng như các chính sách, quy định mới của ngành để chủ động tham mưu cho tỉnh trong việc phát triển các nội dung liên quan. Các vướng mắc khi triển khai được nhanh chóng gửi các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để được hướng dẫn kịp thời, làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện theo hướng dẫn.
Người dân huyện Bình Liêu sử dụng các ứng dụng, tiện ích của chuyển đổi số trên điện thoại thông minh được kết nối internet.
Với quan điểm hạ tầng số cần được phát triển đi trước một bước, việc xây dựng hạ tầng số đã được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong từng năm, từng giai đoạn, được lồng ghép vào các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương coi phát triển hạ tầng số, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông, từ đó tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm đếm, đánh giá kết quả. Phát triển hạ tầng viễn thông tại tỉnh nguồn vốn gần như 100% của các doanh nghiệp viễn thông, tỉnh có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình phát triển hạ tầng, như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công xây dựng, công tác tuyên truyền…
Năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ còn chưa hoàn thành, hoàn thành khối lượng chưa cao trong phát triển hạ tầng số. Trong đó chú trọng nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh, đáp ứng các quy định, yêu cầu về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Cùng với đó, phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao theo hướng tắt sóng 2G, giảm tối đa trạm 3G, tăng tỷ lệ trạm 4G là hạ tầng chủ đạo; đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng 5G tại KCN, khu đô thị, khu du lịch và các bệnh viện cấp tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên nguồn lực xây dựng Kho dữ liệu số dùng chung toàn tỉnh, cho phép thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích, xử lý, khai thác, hỗ trợ ra quyết định, chia sẻ cho các cơ quan của tỉnh sử dụng cổng dữ liệu mở của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng dữ liệu mở quốc gia để cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời, đầy đủ, công khai cho người dân, doanh nghiệp...
https://quangninh.gov.vn/
Tin tức khác
- Từ 8h00 ngày 10/10 bắt đầu diễn ra Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh” năm 2024
- Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh” năm 2024
- Gia tăng lợi ích trong khám, chữa bệnh từ chuyển đổi số
- Chuyển đổi số - Động lực phát triển trong kỷ nguyên 4.0
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội