Hiệu quả từ các nghị quyết HĐND tỉnh về an sinh xã hội

Thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết với các cơ chế, chính sách riêng có về đảm bảo an sinh xã hội. Các nghị quyết đi vào cuộc sống đã có tác động sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại

Trong quý III/2023, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh hoàn thành cuộc giám sát về kết quả thực hiện 5 nghị quyết về công tác an sinh xã hội được ban hành từ năm 2018-2021. Cụ thể: Nghị quyết số 145/2018/NQ-HĐND "Quy định về hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh"; Nghị quyết số 203/2019/NQ-HĐND "Quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh"; Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND "Về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND "Về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND "Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh".

Đồng chí Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh, cho biết: Qua giám sát cho thấy các nghị quyết đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực; có tính khả thi cao, tác động tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho đối tượng thụ hưởng. Từ năm 2018 đến hết năm 2022 có trên 230.000 lượt người hưởng chế độ, chính sách với kinh phí trên 787 tỷ đồng từ 5 nghị quyết nêu trên. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội.

Điển hình như Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, sau gần 3 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực cho đối tượng thụ hưởng. Nhiều học sinh tốt nghiệp THCS không học tiếp lên THPT mà tham gia học nghề kết hợp với học văn hóa hệ giáo dục thường xuyên, góp phần nâng cao tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Hiện tỷ lệ phân luồng của tỉnh đạt khoảng 21%, là một trong những địa phương đạt tỷ lệ cao trong khu vực đồng bằng Sông Hồng.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh về an sinh xã hội giai đoạn 2017-2022

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh về an sinh xã hội giai đoạn 2017-2022

Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo cho 100.611 lượt người, trong đó có 20.930 lượt người được các địa phương hỗ trợ kinh phí trên 19,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ trình độ cao đẳng 1.478 lượt người, gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ trình độ trung cấp 392 lượt người, trên 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề trình độ trung cấp kết hợp học văn hóa chương trình THPT 19.060 lượt người, trên 12,6 tỷ đồng.

Riêng đối với Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND áp dụng tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, từ tháng 9/2021-2/2023 đã hỗ trợ trên 21 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ học phí cho 2.110 lượt học sinh, sinh viên, 5,1 tỷ đồng; thưởng học tập, rèn luyện cho 555 lượt học sinh, sinh viên, gần 4 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 441 lượt học sinh, trên 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ mua đồ dùng học tập cho 1.243 lượt học sinh, sinh viên, gần 800 triệu đồng...

Nghị quyết số 145/2018/NQ-HĐND cũng là một trong những chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh (ngoài chính sách hỗ trợ của trung ương), thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 145/2018/NQ-HĐND cho đến năm 2022, toàn tỉnh đã điều dưỡng cho 19.400 lượt người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, giúp người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được điều dưỡng nâng cao sức khỏe, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Bội, bệnh binh ở khu 6A (phường Hà Phong, TP Hạ Long), cho biết: "Tôi luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của tỉnh, của thành phố cũng như nhiều cơ quan, đơn vị ở địa phương. Hằng tháng tôi được nhận chế độ trợ cấp đối với người có công. Tôi còn được đi điều dưỡng theo chế độ của người có công, giúp tinh thần tôi lạc quan, sức khỏe được cải thiện nhiều, được gặp gỡ các đồng chí, đồng đội... Sự quan tâm chăm lo kịp thời của các cấp, ngành, địa phương là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với người có công".

Học sinh Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long) vui mừng được học trong ngôi trường mới khang trang

Học sinh Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long) vui mừng được học trong ngôi trường mới khang trang

HĐND tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách khác về đảm bảo an sinh xã hội. Đáng chú ý như chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023. Chính sách ra đời trong bối cảnh cả tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đã khẳng định sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh dành cho sự nghiệp giáo dục, hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.

Mới đây nhất là tại kỳ họp 15, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND (ngày 30/7/2019) và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND (ngày 31/3/2020) của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg (ngày 4/6/2021) của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết được ban hành trong thời điểm trung ương chưa có chính sách mới, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, ổn định hoạt động dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh, đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các nghị quyết của HĐND tỉnh về an sinh xã hội từng bước đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho cử tri và nhân dân. Qua đó tạo tiền đề để HĐND tỉnh tiếp tục ban hành các nghị quyết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

 

Nguồn CQĐT Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 316