Hạ Long: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường

Đảm bảo vệ sinh ATTP những bữa ăn bán trú trong trường học luôn là mối quan tâm của các gia đình, nhà trường. Để thực hiện tốt công tác này, ngành GD&ĐT TP Hạ Long đã có những chỉ đạo sát sao, hiệu quả.

Khay và bát ăn của trẻ tại trường Mầm non Cao Thắng ( TP Hạ Long) được hấp sấy, khử khuẩn.

Hiện trên địa bàn TP Hạ Long có 37 trường tiểu học và liên cấp TH&THCS, 33 trường mầm non; trong đó 100% trường mầm non, 34/37 trường tiểu học và liên cấp TH&THCS tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Công tác tổ chức ăn bán trú cho học sinh được thành phố kiểm soát rất chặt chẽ, nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Văn bản số 417/PGDĐT ngày 1/4/2024 của Phòng GD&ĐT TP Hạ Long về việc triển khai Kế hoạch đảm bảo ATTP năm 2024 và một số yêu cầu về thực hiện ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, nêu rõ: Các nhà trường cần đặc biệt quan tâm các khâu lựa chọn thực phẩm, thực đơn, chế biến, vận chuyển, bảo quản… trong thời điểm giao mùa, dễ phát sinh ôi thiu, dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khoẻ của học sinh; thực hiện tốt công tác quản lý các nguồn thực phẩm, thức ăn, nước uống được đưa vào nhà trường. Đối với các trường có suất ăn, phụ huynh tự chuẩn bị cho con cần yêu cầu phụ huynh có cam kết và chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo ATTP đối với suất ăn đó; công khai kết quả xử lý, thông tin danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm, danh mục hàng hoá không đảm bảo vệ sinh ATTP (nếu có), để học sinh và cha mẹ học sinh biết, lựa chọn, phòng ngừa.

Thực hiện yêu cầu trên, các nhà trường đã tích cực kiểm soát và chuẩn bị những bữa ăn bán trú đảm bảo về chất, lượng và vệ sinh ATTP cho học sinh. Trường Mầm non Cao Thắng tổ chức nấu ăn bán trú tại Trường cho 100% trẻ mầm non với hơn 400 suất ăn trưa và ăn chiều/ngày. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, nhà trường đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn thực phẩm đảm bảo tươi, ngon, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín và có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Khu vực bếp ăn từ sơ chế đến thành phẩm được thực hiện “một chiều” nhằm tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thực phẩm sống và chín; khử khuẩn toàn bộ dụng cụ nhà bếp, bát đũa trước và sau khi sử dụng để trẻ có bữa ăn an toàn, đủ chất và ngon miệng.

Ở khối tiểu học, 100% các trường công lập không tổ chức nấu ăn, mà hợp đồng với các đơn vị cung ứng suất ăn trực tiếp cho học sinh. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT thành phố yêu cầu thủ trưởng cơ sở giáo dục, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất lựa chọn đơn vị đủ điều kiện kinh doanh cung ứng dịch vụ liên quan đến tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại trường; ký kết giữa thủ trưởng cơ sở giáo dục với chủ đơn vị cung ứng dịch vụ phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Các bên liên quan thường xuyên tổ chức giám sát nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, vận chuyển, khẩu phần ăn, chất lượng suất ăn của học sinh.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường TH&THCS Vũ Oai. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô giáo Hoàng Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Vũ Oai, cho biết: Để đảm bảo ATTP các bữa ăn bán trú, nhà trường ký hợp đồng với công ty cung cấp bữa ăn cho học sinh. Bên cạnh kiểm tra chặt chẽ những quy định về thủ tục pháp lý của công ty, các chứng chỉ chứng nhận của nhân viên phục vụ, chế biến thức ăn, Ban Giám hiệu và Ban Đại diện cha mẹ học sinh luôn sát sao trong việc giám sát, quản lý tất cả các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm.

Tăng cường công tác quản lý bán trú trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đảm bảo cho học sinh có những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, góp phần phát triển toàn diện cho trẻ.

Nguồn: quangninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 320