Chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT
Thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Công an và của tỉnh về tăng cường chuyển đổi số trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, Phòng cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiện ích từ kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Hiện nay 100% hồ sơ cấp đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe tại Phòng CSGT, Công an tỉnh đều đã được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thượng tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh, cho biết: Cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và của tỉnh về nghiên cứu, đề xuất ứng dụng kết quả Đề án 06 vào công tác của đơn vị, với phương châm “lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển, mọi hoạt động đều hướng đến người dân để tăng cường quản lý TTATGT”, Đảng ủy, lãnh đạo Phòng CSGT đã quán triệt tới tất cả các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) khi thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh VNeID và tham gia thực hiện TTHC liên quan đến lĩnh vực TTATGT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hiện nay, tại đội Đăng ký quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, Phòng CSGT, 100% các hồ sơ liên quan đến cấp đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe đều đã được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Cùng với tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, để đồng hành cùng nhân dân trong quá trình chuyển đổi số, đơn vị đã phân công cán bộ chủ động đón tiếp, phân luồng để hướng dẫn, hỗ trợ công dân đến nộp hồ sơ đăng ký, thu hồi biển số qua Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng tài khoản định danh cá nhân VNeID. Đối với những người chưa biết sử dụng hoặc quên mật khẩu tài khoản VNeID, đơn vị phân công cán bộ hướng dẫn hỗ trợ công dân kích hoạt, lấy lại mật khẩu trên điện thoại, máy tính bảng của công dân. Sau đó hướng dẫn công dân các bước nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công.
Cán bộ Đội Đăng ký quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, Phòng CSGT, Công an tỉnh hướng dẫn công dân nộp hồ sơ đăng ký xe lên cổng dịch vụ công bằng điện thoại thông minh.
Cùng với lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện, hiện nay, các tiện ích từ kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ cũng đang được Phòng CSGT triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính về TTATGT. Sau phát hiện vi phạm, dừng phương tiện, thông báo lỗi vi phạm đến người điều khiển phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính, cán bộ Phòng CSGT sẽ nhập biên bản vi phạm hành chính vào phần mềm xử lý vi phạm hành chính. Các nội dung trong quyết định xử phạt được cập nhật lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: Cơ quan ra quyết định và mã số biên bản; thông tin cá nhân của lái xe vi phạm; thời gian địa điểm, lỗi vi phạm. Sau đó Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển thông tin xử phạt cho người vi phạm qua tin nhắn điện thoại. Người vi phạm khi nhận được thông báo, có thể ở bất cứ nơi đâu, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính để hoàn tất mọi thủ tục xử phạt trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Khi người vi phạm chấp hành xử phạt xong, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ gửi biên lai điện tử cho người vi phạm để xuất trình cho đơn vị CSGT ra quyết định xử phạt nhận lại giấy tờ bị tạm giữ trước đó hoặc liên hệ với bưu điện để dùng dịch vụ chuyển trả giấy tờ tạm giữ vi phạm giao thông về nhà. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, đã có 7.611 hồ sơ vi phạm hành chính TTATGT được Phòng CSGT, Công an tỉnh xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt trên 92%.
5 tháng đầu năm 2024, 92% hồ sơ vi phạm hành chính về TTATGT đã được Phòng CSGT, Công an tỉnh xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trung tá Trần Thúy Hằng, Đội phó Đội Tuyên truyền, Điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT, Công an tỉnh chia sẻ: Để lựa chọn các hình thức nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, khi công dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông có vi phạm, được lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên đường phát hiện, dừng phương tiện và lập biên bản, công dân cần chủ động cung cấp cho cán bộ người lập biên bản số điện thoại chính xác, địa chỉ nơi ở và số căn cước để cán bộ lập biên bản nhập vào hệ thống xử lý.
Anh Đ.X.T, hộ khẩu thường trú huyện Tiên Yên, cho biết: Nếu như trước đây vi phạm các lỗi phải tạm giữ giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ phải vào tận TP Hạ Long để làm thủ tục xử lý, nhận quyết định xử phạt, thì hiện nay, công dân có thể làm trực tuyến và nhận lại giấy phép lái xe bị tạm giữ tại nhà, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện các TTHC công tác quản lý nhà nước về TTATGT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia không chỉ giúp nhân dân, doanh nghiệp tiết giảm thời gian, chi phí đi lại mà ngày càng nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TTATGT, góp phần xây dựng nền hành chính, hiện đại, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.
Tin tức khác
- Từ 8h00 ngày 10/10 bắt đầu diễn ra Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh” năm 2024
- Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh” năm 2024
- Gia tăng lợi ích trong khám, chữa bệnh từ chuyển đổi số
- Chuyển đổi số - Động lực phát triển trong kỷ nguyên 4.0
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội