Chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất vụ lúa mùa

Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung sản xuất lúa vụ mùa 2024. Để đảm bảo cho năng suất, chất lượng mùa vụ, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo cho diện tích lúa sinh trưởng tốt.


Nông dân xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều dặm tỉa lúa mùa.

Để hoàn thành việc gieo cấy theo kế hoạch trên 4.370ha lúa vụ mùa trong khung thời vụ, TX Đông Triều đã sớm ban hành kế hoạch sản xuất vụ mùa để các cơ quan chuyên môn và các xã, phường chủ động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất theo đúng tiến độ. Cùng với đó, tiến hành nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi, đảm bảo mọi điều kiện về nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất. Đồng thời, tiếp tục sử dụng các giống lúa cho năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương như: Đài thơm, Bắc thơm, ST25, nếp cái hoa vàng, ĐT37, hương thơm, thơm RVT, TBR 225, TBR 45… vào gieo cấy. Đến nay, toàn thị xã đã gieo cấy được hoàn thành 100% diện tích.

Theo ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, ngay bắt đầu vụ mùa, phòng đã cử cán bộ đi nắm bắt điều kiện sản xuất, thời tiết; điều tra, giám sát các đối tượng dịch hại để thông báo cho người dân chủ động các biện pháp ngay từ đầu vụ trước khi đổ ải làm ruộng. Thị xã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều tận dụng hiệu quả nguồn nước từ sông Cầm và các hồ chứa, dẫn nước qua các kênh tưới đến đồng ruộng, khu vực sản xuất để người dân phục vụ tưới tiêu. Bên cạnh đó, các HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp quản lý tốt và khai thác tiết kiệm nguồn nước, chủ động phương tiện sẵn sàng khi mưa lớn gây ngập úng các diện tích lúa non.

Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung gieo cấy lúa vụ mùa và đảm bảo quy trình chăm sóc đúng khung thời vụ. Theo thống kê và kiểm tra thực tế của Sở NN&PTNT, vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy 22.075ha lúa. Hiện trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Ngay từ đầu mùa vụ, ngành Nông nghiệp đã khuyến khích người dân sử dụng các giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với hạn, nóng và sâu bệnh hại.

Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương, hiện nay một số diện tích lúa mùa trên địa bàn đã nhiễm sinh vật hại, như: Diện tích nhiễm ốc bươu vàng 50ha tại Vân Đồn, diện tích phòng trừ 170ha; diện tích nhiễm chuột 5ha tại Móng Cái… Để đảm bảo cho diện tích lúa sinh trưởng tốt, thời điểm này, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương bố trí cán bộ khuyến nông theo dõi, bám sát đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn bà con nông dân biện pháp bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo đúng nguyên tắc, liều lượng để hạn chế sâu bệnh hại phát triển, duy trì ổn định sinh trưởng của cây. Bên cạnh đó, để chủ động nguồn nước tưới tiêu đảm bảo phục vụ sản xuất vụ mùa, ngành Nông nghiệp đang tập trung các biện pháp quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý. Theo đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá lượng nước tích trữ tại các hồ, đập, từ đó có biện pháp điều tiết phù hợp qua các kênh, phục vụ ổn định tưới tiêu cho những diện tích đã được canh tác.

Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa lớn và bão số 2 đã gây ngập úng một số diện cây trồng ảnh hưởng đến sản xuất. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 7 đến tháng 9, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 5-7 cơn bão, trong đó khả năng có 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh. Mưa lớn diện rộng xuất hiện khoảng 4-6 đợt, khả năng xuất hiện ngày mưa cực lớn (trên 300mm/ngày) hoặc đợt mưa rất lớn. Để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, khắc phục hậu quả và hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, bão gây ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa 2024, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân quan tâm triển khai một số biện pháp: Tranh thủ kỳ con nước huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy, sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời; có điều kiện tiêu nước đệm trên hệ thống “tháo cạn lòng sông, giữ nông mặt ruộng” đề phòng mưa lớn còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Với diện tích lúa gieo cấy sớm, không bị ngập trắng cần thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2, bón hết lượng phân thúc còn lại, chủ yếu là Kali clorua, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa để cây lúa nhanh chóng phục hồi, sinh trưởng phát triển tốt; bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 49