Chủ động phòng cúm và sốt xuất huyết

Giao mùa thu - đông thời tiết thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ nóng – lạnh giữa ngày và đêm, cơ thể chúng ta chưa kịp thích nghi, dẫn tới đề kháng bị giảm mạnh và đó là nguyên nhân dễ mắc các bệnh lúc giao mùa. Đây cũng là thời điểm các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển, hoạt động mạnh. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động trong phòng, chống các bệnh trong thời điểm giao mùa thu - đông.

Vào thời điểm này, trên địa bàn cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng đang có sự gia tăng về các bệnh giao mùa, như: Bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay – chân – miệng, viêm não Nhật Bản… Đối tượng mắc bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là những người mắc các bệnh mãn tính sức đề kháng yếu, người già và trẻ nhỏ. 

Với trẻ em, hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn biến nặng hơn người lớn.

Còn đối với người cao tuổi, khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường ngày càng suy giảm, hệ miễn dịch không còn đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh, thêm vào đó là những căn bệnh mãn tính khiến cơ thể suy yếu, nguy cơ bệnh chồng bệnh và diễn biến nặng tăng cao khi mắc các bệnh lúc giao mùa.

Theo ghi nhận của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, những tuần qua, số ca cúm mùa bắt đầu có xu hướng gia tăng, nguyên nhân là do thời tiết đang vào thời điểm giao mùa thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển. 

Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.

Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh ghi nhận nhiều người đến khám bệnh liên quan đến cúm mùa. Như tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân đến khám bệnh. Trong đó, trung bình có khoảng 30-40 bệnh nhân nghi cúm hoặc được phát hiện mắc cúm. Chủ yếu là trẻ nhỏ, hoặc đang độ tuổi tới trường. 

Theo các bác sỹ, để phòng chống cúm mùa, các biện pháp hiệu quả nhất vẫn là chủ động đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, vệ sinh tay thường xuyên và tiêm chủng định kỳ hàng năm, nhất là với đối tượng trẻ em và người già.  

Thời điểm này không chỉ có bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng, mà bệnh sốt xuất huyết cũng có chiều hướng diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Những tuần qua, cả nước ghi nhận hàng ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội. Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 90.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. 

Tại Quảng Ninh, bệnh này cũng đang có xu hướng tăng so với những tháng trước nên rất cần chủ động phòng chống dịch đến từ mỗi người dân và các hộ gia đình. Theo ghi nhận những tuần qua, Quảng Ninh cũng có hàng chục ca mắc tại các địa phương. Dù các ca mắc phần lớn đều được ghi nhận từ tỉnh ngoài trở về địa phương. Song, nếu như không làm tốt công tác phòng dịch bệnh, ngăn chặn vector truyền bệnh là muỗi vằn, thì việc phát sinh các ổ dịch là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Đặc biệt, sốt xuất huyết là bệnh do vi rút, không có vắc xin, cũng không có thuốc đặc trị. Tùy theo đánh giá sức khỏe bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cụ thể trong việc điều trị. Thế nên công tác phòng dịch là vô cùng quan trọng, trên tinh thần chủ động của cả ngành y tế, chính quyền địa phương và người dân.  

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện tại có rất nhiều căn bệnh giao mùa đang chực chờ tấn công người dân và bùng phát thành dịch. Do đó, người dân không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, mà hãy chủ động trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức phòng bệnh hiệu quả trong mùa thu-đông. Trong đó, cân bằng dinh dưỡng, vận động thường xuyên và tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch là 3 phương pháp phòng bệnh đặc biệt quan trọng mà người dân cần lưu tâm đối với trẻ em khi vào thời tiết giao mùa.

Nguồn báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 308