TP Hạ Long: Sự khác biệt trong xây dựng nông thôn mới

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, TP Hạ Long là đơn vị duy nhất không có đơn vị cấp xã. Đến đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ sáp nhập về TP Hạ Long thành 1 đơn vị hành chính. Do vậy TP Hạ Long có 33 đơn vị hành chính gồm 21 phường, 12 xã. Và kể từ đây TP Hạ Long có thêm nhiệm vụ triển khai xây dựng nông thôn mới trong khi không ít chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của huyện Hoành Bồ trước khi sáp nhập khó có thể hoàn thành do điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn.

TP Hạ Long là đô thị loại I, trung tâm của tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện Nghị quyết số 837 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh, huyện Hoành Bồ sáp nhập về TP Hạ Long. Khu vực nông thôn của TP Hạ Long sau sáp nhập là 12 xã, có tổng diện tích tự nhiên 844,6 km2 (chiếm 75,47% tổng diện tích tự nhiên của thành phố), dân số 11.037 hộ, 44.259 nhân khẩu (chiếm 14,74% tổng số hộ dân của cả TP). Vì vậy, TP Hạ Long tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kết quả sau 10 năm huyện Hoành Bồ trước đây đã thực hiện được. Tuy nhiên, thời điểm TP Hạ Long đi vào thực hiện cũng là thời điểm sắp kết thúc giai đoạn 1 của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đều phải đạt khá cao so với bộ tiêu chí mới là một thách thức đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.

Bộn bề trong công việc, vừa phải sắp xếp, ổn định tổ chức, vừa phải thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí mới, vừa phải thực hiện theo lộ trình tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới vào trước năm 2025. Trong khi huyện Hoành Bồ trước sáp nhập là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Huyện có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó có 6 xã miền núi, 5 xã vùng cao; nhiều xã vừa thoát khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2010 còn 13,1%. Thu nhập bình quân đầu người thấp và mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/ng/năm. Diện tích tự nhiên rộng nhưng chủ yếu là đồi núi. Mật độ dân số thưa, sống không tập trung. Địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi; giao thông đi lại khó khăn. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có xã lên tới gần 100%. Trình độ dân trí không đồng đều. Tiêu chí nông thôn mới trước khi bắt đầu thực hiện chương trình rất thấp, chỉ đạt trung bình 3,5 tiêu chí/xã. Do những khó khăn trên nên dù có quyết tâm thì đến hết năm 2020, TP mới chỉ được công nhận 10/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngay sau sáp nhập địa giới hành chính, BCĐ xây dựng nông thôn mới TP Hạ Long được thành lập và thường xuyên kiện toàn, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Để biến những thách thức thành cơ hội, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, TP Hạ Long xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng rõ mục tiêu với những nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là tiêu chí về môi trường, hình thức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo theo tiêu chí vùng đồng bằng sông Hồng theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Quyết liệt trong chỉ đạo, đổi mới trong triển khai, BTV Thành ủy thành lập BCĐ xây dựng nông thôn mới thành phố, kiện toàn BCĐ và phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò người đứng đầu và khơi dậy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được lấy làm mạch nguồn hội tụ, tạo sức lan tỏa.

Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố đã nhận được sự chung tay ủng hộ, vào cuộc của các phường, các đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn. Trong ảnh: Ban CHQS Thành phố hỗ trợ xã Dân Chủ khởi công tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, năm 2020 (ảnh: Hồng Phương)

Hội Nông dân thành phố hỗ trợ cây giống và giúp nhiều hộ gia đình thực hiện mô hình vườn mẫu

Từ những việc đã làm được trong năm 2020, TP Hạ Long kịp thời đúc rút kinh nghiệm để đề ra các biện pháp cụ thể hơn. Đó là: đối với xã chưa đạt chuẩn, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu. Ngược lại đối với xã đã đạt chuẩn, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xây dựng  và giữ gìn cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - sáng - đẹp và khu dân cư, thôn bản kiểu mẫu; tiến tới yêu cầu cao hơn là đô thị trong lòng nông thôn.

Hướng đi gắn cùng giải pháp đã biến thách thức thành cơ hội thông qua nhiều cách làm sáng tạo, riêng có của thành phố, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu khó có thể hoàn thành đã lần lượt được tháo gỡ trên nền tảng bền vững, phát triển đi lên.

Nuôi gà thương phẩm giống Tiên Yên là một trong những mô hình phát triển kinh tế được nhiều hộ dân các xã của thành phố mạnh dạn đầu tư, triển khai trong thời gian qua. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này.

 

Trên chặng đường nước rút, thời điểm nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cũng là lúc các đợt dịch liên tiếp bùng phát. Theo đó trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế vốn đã khó thì trên lĩnh vực phát triển kinh tế càng khó hơn. Bởi lẽ đa phần người dân ở các xã vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống canh tác manh mún, độc canh và do dịch bệnh dẫn tới không ít sản phẩm của người dân khó khăn về tiêu thụ; hơn nữa, mục tiêu của TP đặt ra chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là không hề giản đơn.

Vẫn nhất quán quan điểm “lấy đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế trục đỡ cho kinh tế phát triển”, TP Hạ Long tập trung mọi nguồn lực cho việc quy hoạch vùng sản xuất, hướng người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi và phát triển các sản phẩm thành sản phẩm hàng hóa, làm khâu đột phá trong phát triển sản xuất nên đã tạo được thay đổi nhận thức của đa số người dân. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước thì nay đã chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc nâng cao thu nhập cho chính gia đình mình.

Sự giàu có mỗi ngày của người dân ở những xã được cho là khó khăn nhất của TP Hạ Long đã tạo nên sự khác biệt trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua. Thôn bản đổi mới, con người đổi mới và tư duy đổi mới. Đằng sau của nhiều mô hình kinh tế vườn kết hợp với dịch vụ, du lịch trải nghiệm ở hầu hết các xã trên địa bàn TP mỗi năm cho doanh thu lên đến vài tỷ đồng, là hình ảnh về các ngôi biệt thự ở hầu khắp các thôn bản không còn là điều xa lạ với đồng bào nơi đây. Đó cũng là minh chứng sống động cho việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của người dân.

 

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại đã tạo nên diện mạo mới, khang trang cho các xã vùng cao của thành phố

 

Trong quãng thời gian không phải là dài mà TP Hạ Long thực hiện xây dựng nông thôn mới trong bộn bề khó khăn, thách thức. Nhưng với cách làm sáng tạo trong triển khai, quyết liệt trong thực hiện các tiêu chí khó đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Hạ Long.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, những tiêu chí được cho là khó để đạt cao như môi trường: 96,2% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch. Về giáo dục và đào tạo, 12/12 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Về y tế, 12/12 xã có trạm y tế và tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,5%. Về thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng. Đến nay 12/12 xã đã được UBND tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4/12 xã là Dân Chủ, sơn Dương, Thống Nhất, Lê Lợi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Một góc nông thôn mới Hạ Long hôm nay. Ảnh: Dân Nguyễn

Ngày 27/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 766/QĐ-TTg công nhận thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2021. Buổi lễ công bố công nhận thành phố Hạ Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sẽ được long trọng tổ chức tại phường Hoành Bồ vào tối 31/8 tới đây.

Từ thành quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới tạo nền tảng vững chắc để TP Hạ Long quyết tâm biến những vùng quê của TP thành nơi đáng sống; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại.

Phương Loan

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18528