Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các lễ hội Xuân năm 2024
Là một trong những địa phương nổi tiếng về du lịch tâm linh cũng như các lễ hội đầu năm, dịp này, Quảng Ninh thu hút đông đảo du khách về tham quan, du lịch, chiêm bái lễ Phật. Bên cạnh đảm bảo môi trường du lịch văn minh lịch sự, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch, lễ hội cũng được giám sát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và du khách.
Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có hơn 300 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, tập trung chủ yếu vào tháng Giêng với lượng người tham gia rất lớn. Đây cũng là thời điểm “vàng” cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động. Để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong mùa lễ hội, ngay từ trước Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024. 100% BCĐ liên ngành về an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai và ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân năm 2024. Theo đó, đã có 203 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP các cấp được thành lập để triển khai nhiệm vụ kiểm tra về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố Hạ Long. Ảnh: Ngọc Phượng, CDC Quảng Ninh
Với số lượng 47.975 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024; các đoàn kiểm tra các cấp đã đồng loạt ra quân kiểm tra được 517 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Qua đó, phát hiện 90 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt trên 789 triệu đồng, tịch thu tiêu huỷ sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng với giá trị trên 476 triệu đồng. Trong quá trình kiểm tra các đoàn đã thực hiện test phẩm màu, hàn the, formol, tinh bột, tinh dầu … không phát hiện mẫu dương tính; lấy 11 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm tại labo, kết quả các chỉ tiêu kiểm nghiệm đạt yêu cầu theo quy định. Nhờ đó, trong thời gian Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2024, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp lễ hội đầu Xuân, ngay từ trước và trong Tết, các địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tăng cường truyền thông, phổ biến các quy định về ATVSTP, cũng như yêu cầu các cơ sở, đơn vị kinh doanh ký cam kết trong việc chấp hành nghiêm các quy định này. 100% các địa phương đã đồng loạt triển khai các hoạt động tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng như : tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh tại khu phố, thôn xóm và tại các chợ trung tâm của địa phương, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi nói chuyện, sinh hoạt hội phụ nữ, tổ khu, xóm phố. Tính đến hết ngày 16/2/2024, toàn tỉnh đã tổ chức được 207 buổi tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP, các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, các quy định của pháp luật trong việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phát hơn 30.000 tờ rơi, treo 415 băng rôn, khẩu hiệu; trao hơn 2000 quyển sổ tay tuyên truyền ATTP và 3211 cuốn lịch để bàn...
Việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATVSTP đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, từ dịp Tết đến nay, tại các địa điểm du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh không ghi nhận các trường hợp vi phạm ATVSTP. Tuy nhiên, công tác kiểm tra giám sát vẫn sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.