Cảnh báo dịch sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu

Thời tiết giao mùa từ hè sang thu với nhiệt độ, độ ẩm thay đổi thất thường, có mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết gia tăng, bùng phát thành dịch. Thời gian qua, không chỉ có số ca sốt xuất huyết tăng cao mà ở một số tỉnh Tây Bắc còn xuất hiện trở lại của dịch bệnh bạch hầu gây lo lắng cho người dân.

Trong tuần vừa qua, ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết, nhiều trường hợp trở nặng phải chuyển lên tuyến trên. Như ở Hà Nội đã phát hiện thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết mới. Đáng chú ý, nhiều ổ dịch ghi nhận tại các quận nội thành. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua Thủ đô đã ghi nhận 2.010 ca mắc sốt xuất huyết. Ca bệnh ghi nhận tại 29 quận, huyện. Số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp đôi so với các tuần cuối tháng 8. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đánh giá, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với ca mắc không ngừng gia tăng, nguy cơ bùng phát thành dịch là rất cao.

Còn đối với Quảng Ninh, những ngày qua, tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã tiếp nhận những ca mắc sốt xuất huyết. Như tại Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận điều trị cho 30 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó ghi nhận một số ca sốc do sốt xuất huyết. Đây là một biến chứng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể suy đa tạng, tử vong. Đáng chú ý, bên cạnh các ca sốt xuất huyết có tiền sử bệnh lý nền, tuổi cao, Bệnh viện Bãi Cháy cũng ghi nhận biến chứng nặng - sốc do sốt xuất huyết ở những bệnh nhân trẻ, không có bệnh lý nền... 

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 22/9, Quảng Ninh ghi nhận 151 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 134 ca dương tính tại 10/13 huyện, thị xã, thành phố. So với cùng kỳ năm 2022, số ca tăng 22%. 

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người bệnh sốt xuất huyết nên đến bệnh viện để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Đặc biệt, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như tránh muỗi đốt, diệt muỗi trưởng thành và bọ gậy, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.

Không chỉ có sốt xuất huyết, những ngày qua, người dân khu vực Tây Bắc không khỏi lo lắng khi tại Hà Giang, Điện Biên… đã xuất hiện trở lại của những ca bệnh bạch hầu, trong đó đã có 3 ca tử vong. Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế 63 địa phương và y tế các bộ, ngành yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh. Điều này nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm. Cùng với đó rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; bảo đảm phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh. Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn, lấy mẫu ngay để làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn; triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Ngoài việc tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết, Bộ Y tế yêu cầu với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, cần hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên trước khi chuyển tuyến.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra. Bệnh khởi phát cấp tính và các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Cách phòng ngừa thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh.

Có thể thấy, hiện nay dịch sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Chính vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh bùng phát thành dịch diện rộng thì ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, chính quyền các cấp rất cần sự chung tay, ý thức phòng dịch của tất cả người dân, đặc biệt là ở những vùng đang có dịch bệnh lây lan.

Nguồn Báo QN

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 259